Nguyên lí 80 – 20 trong việc phân tích, lên kế hoạch, triển khai thực thi các hoạt động marketing trên sàn TMDT
Chào các bạn, hôm nay là thứ 7 ngày 21/08, còn 2 ngày nữa là Sài Gòn áp dụng chỉ thị giãn cách nâng cao hơn, di chuyển cũng không được, giao vận cũng không được, các bạn vẫn ổn chứ….?
Mình thì thực sự cũng chẳng ổn lắm, nên 1 tuần mình chỉ ra được một bài viết, mình may mắn vẫn còn nhận được lương, vẫn còn KPI và chạy deadline, khu nhà mình vẫn bình an.
Hmm, nhưng bạn thấy đó, mỗi ngày lên facebook là vô vàn những câu chuyện đau lòng, nên ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến cảm xúc cá nhân. Mình biết và hiểu, các bạn ít nhiều cũng đã và đang cố gắng vượt qua những trải nghiệm tiêu cực giống mình, nên dù gì vẫn phải giữ sức khỏe nhé.
Hôm nay mình sẽ chỉ nói 1 chút về nguyên lí 80-20 và cách mình vận dụng nó vào trong công việc marketing trên sàn để mang về những kết quả khả quan. Kết quả doanh số của dự án mình đang phụ trách thì so với cùng thời điểm của tháng 6 thậm chí hơn một chút (tháng 6 là tháng có Mega Campaign 6.6, còn tháng 8 thì không).
Và nó cũng rất đơn giản dựa vào nguyên lí 80 – 20 thôi. Mình chia sẻ để bạn có thêm góc nhìn nhé.
Nguyên lí 80 – 20 là gì ?
Sẽ có rất nhiều định nghĩa và giải thích cũng như ví dụ cho nguyên lí 80 – 20 này. Mình thì nghĩ đơn giản
20% nguồn lực sẽ mang về 80% kết quả.
Dĩ nhiên là còn có tính tương đối nữa, ví dụ 25 – 75 hoặc 30 – 60. Nhưng tựu chung lại, quan sát của mình thấy rằng các kết quả dù về số hay không thì đều dựa trên nguyên lí cơ bản này. Nó thể hiện qua 1 vài thứ thực tế như:
- Shop của bạn có 100 sản phẩm thì chỉ có khoảng 20 sản phẩm mang về 80% doanh số của cả tháng (hoặc 80% tổng lượng traffic…).
- Trong tất cả các công cụ và hoạt động marketing (nội sàn hoặc ngoại sàn). Chỉ có khoảng 20% hoạt động mang về hiệu quả về mặt doanh thu hoặc traffic 80%.
- Mình thường dành đến 80% thời gian chỉ để làm và thực thi các công việc không tên (content, brief, hình ảnh, free traffic…), và dĩ nhiên nó chỉ đóng góp được 20% thậm chí 10% tổng kết quả của mình. (Nhưng mình vẫn phải làm)
- Một chiếc Report hoặc proposal để đàm phán với khác hàng hoặc đối tác hoặc sếp. Mình dành có thể 8 tiếng để chuẩn bị khoảng 20 slide, nhưng khi trình bày, chỉ có khoảng 20% nội dung thực sự khiến người nghe quan tâm mà thôi.
Bây giờ, bạn hãy thử tải một dữ kiện data của gian hàng của bạn, và phân tích xem, có đúng như thế không?
Vậy tại sao phải biết được nguyên lí này & vận dụng nó như thế nào ?
Như bạn đã biết, trong mọi dự án thì chúng ta đều chỉ có một cơ số nguồn lực nhất định (dự án 5 nhân sự – cục ngân sách 100 triệu), một khoảng thời gian xác định (chuẩn bị trong 30 ngày). Và việc còn lại là phải sử dụng & phối hợp nguồn lực để đạt kết quả tốt nhất (đạt KPI doanh số 800 triệu)
Biết được nguyên lí này giúp mình bình thản hơn rất nhiều trong việc BÓC TÁCH VẤN ĐỀ và PHÂN BỔ NGUỒN LỰC hợp lí. Từ đó ra quyết định nhanh hơn và đạt kết quả tốt hơn. Mình đã thử cho tháng 8 này và kết quả cải thiện đáng ngạc nhiên.
1/ Bóc tách vấn đề:
- Bằng cách nhóm chúng lại với nhau. Ví dụ bạn có 100 sản phẩm, vậy chẳng lẽ bạn phân tích cả 100 sản phẩm này? Lúc này, bạn có thể chia nó ra thành 3 hoặc 4 nhóm sản phẩm có cùng 1 yếu tố. Sau đó bạn sẽ có 1 cái nhìn tổng quan & đơn giản nhất. Từ đó mới bóc tách ra từng vấn đề.
- Việc phân tích, bạn có thể bám vào câu chuyện nguồn lực – kết quả. Sẽ luôn có nhóm tạo ra nhiều giá trị nhưng lại tốn ít của bạn nguồn lực. Việc của bạn là xác định được vấn đề & cơ hội của nó.

Như bảng ở trên, mình dự kiến sẽ quyết định tập trung vào nhóm sản phẩm Level A, vì thấy rằng nếu đầu tư sẽ có cơ hội thắng tốt hơn. Vậy tại sao mình lại quyết định như vậy?
- Thứ nhất, nhóm sản phẩm này có Converion Rate rất cao (cao thứ nhì). Tức sản phẩm và khuyến mãi đang được khách hàng chấp nhận tốt về căn bản.
- Thứ hai, nhóm sản phẩm này có giá trung bình khoảng 700K là tốt so với thị trường / đổi thủ. Tương tự nhóm Level B cũng là nhóm có giá tốt khoảng 400K
- Thứ ba, nhìn vào Unit Sold, nhóm SP Level A chỉ chiếm 314 đơn vị bán (chiếm tỉ lệ chỉ 16%). Nghĩa là, mình sẽ tốn ít nguồn lực để bán các sản phẩm thuộc nhóm này so với nhóm SP B có đến tận 967 đơn vị bán.
Vậy mình quyết định cân nhắc đầu tư kĩ hơn cho nhóm sản phẩm Level A và nhóm sản phẩm Level B
2/ Phân Bổ Nguồn Lực
Lúc này, nguồn lực của mình có hạn, giả sử chỉ có 1 mình mình làm. Mình bắt buộc phải chọn nhóm A hoặc nhóm B để đầu tư các hoạt động marketing. Dĩ nhiên là có thể cân luôn cả 2 nhóm nhưng do mình ham chơi và không muốn ngồi mục cột sống haha. Nên mình quyết định chỉ chọn đầu tư vào nhóm sản phẩm Level A thôi, ví nó tốn ít nguồn lực hơn và trông có vẻ dễ thắng hơn.
Và thế là nhờ việc phân tích đó mình đã biết cách tập trung 80% nguồn lực và thời gian vào nhóm 20% sản phẩm. Và nhóm 20% sản phẩm này sẽ mang về 80% kết quả.
Đây là cách mình áp dụng cho mọi dự án, từ lớn đến bé, bé thì phân tích nhanh hơn, lớn thì cần phải phân tích nhiều thứ hơn. Tuy nhiên việc phân tích & bóc tách dữ liệu cần đi từ bức tranh tổng quan, xác định vấn đề, sau đó mới bóc ra từng bức tranh nhỏ khác.
Đơn giản như việc thi đại học đi, 3 môn, toán lí hóa. Để đậu đại học cần ít nhất 20 điểm: Toán 8, Lý 6, Hóa 6 là đủ. Vậy thì mình sẽ đầu tư vào giải nhiều bài nâng cao của Toán cày hết quyển này quyển kia. Lý thì mình giỏi sẵn rồi nên ko quan tâm kaka, còn Hóa vì quá dốt nên chỉ học lí thuyết không biết giải bài tập. Thế là mình đậu đại học như vậy đó các bạn ạ kakaka. Ai rãnh đâu ngồi cày 3 môn =))))
Để cụ thể hóa hơn, mình có một bản tóm tắt chiến lược phát triển marketing mà mình đã từng làm ở công ty cũ, bạn có thể tham khảo nhé.

Kết Bài
Note ngắn gọn vậy thôi, hi vọng mọi người hiểu, cuối tuần rồi nên chúc mọi người một buổi tối thật an lành và nhiều sức khỏe vượt qua đại dịch khó khăn này.
À ! Mình rất vui nếu bạn trò truyện và đặt câu hỏi với mình thông qua đường link Google form bên dưới bạn nhé
https://forms.gle/d4Xex6MhG8zAsGht8