Văn hóa online và sự khác biệt của nó với văn hóa Offline
Chào mọi người, lâu lắm rồi mình chưa có viết lại, một phần hiện tại mình đang khá tập trung cho công việc mới có khá nhiều đầu công việc mới & khó, một phần vì mình vừa trải qua một giai đoạn cảm thấy “không còn gì để viết”.
Nhưng mình đang cố gắng trở lại viết nhiều hơn những trải nghiệm của bản thân vẫn trong lĩnh vực Ecommerce, để mong đóng góp 1 chút gì đó cho các các anh em Ecommerce-er từ những trải nghiệm thực tế của mình.
Bài viết hôm nay chủ yếu chia sẻ về góc nhìn của mình, từ một người bước ra từ một công ty B2C Ecommerce chuyên bán hàng Online (Jetcommerce), đến việc đặt chân vào một cty bán cả hai mảng Offline lẫn Online (Logitech). Từ đó mọi người sẽ có thêm vài góc nhìn, về việc lựa chọn công ty online hay offline nhé.
Văn hóa
Trước đó, khi mới bước chân vào ngành Ecommerce, mình được làm ở một công ty chỉ tập trung bán online cụ thể là ở trên sàn TMDT, tất cả dự án của bọn mình, đều được triển khai trên đó. Văn hóa của tụi mình là văn hóa Online, khi tất cả mọi ngôn ngữ, hành vi mua hàng, hoặc các hoạt động trên công ty đều đi theo nhịp độ online của sàn TMDT.
Ví dụ như những ngày Mega Sale Campaign 9.9,11.11,12.12. Công ty sẽ có những hoạt động ăn uống, chơi game để giúp nhân viên giảm stress, hoặc thậm chí treo các banner toàn công ty để tất cả mọi người đều cảm giác được không khi mùa lễ hội sale với nhịp độ rất nhanh.

Với những công ty mà mình có dịp được biết đến và làm việc cùng một vài dự án hoặc gặp gỡ, ví dụ như July House, Polomanor, Coolmate, mình đều cảm nhận được không khí gọi là “Văn hóa Online” của các anh chị, khi đa phần các brand đều có xuất phát điểm từ việc bán sản phẩm trên môi trường Online.
Ngược lại, khi bước chân vào một công ty mà ở đó có cả mảng online và mảng offline. Mọi thứ lại bỗng nhiên rất khác, cái khác này không hẳn là tiêu cực, chỉ là từ một người quan tâm đến việc kinh doanh & marketing trên online như mình, khi bước chân vào môi trường có cả online và offline. Mình cảm thấy có gì đó không quen ở đoạn đầu
Đối với những mô hình kinh doanh có cả online lẫn offline, tùy vào tỉ trọng của 2 kênh, và cũng tùy vào mindset của người đứng đầu (CEO) mà không khí và văn hóa cũng khác nhau.
- Khác nhau về giá cả (online đôi khi bán giá thấp hơn offline, gây ra sự mất cân bằng)
- Khác nhau về cách làm marketing (offline quan tâm trade marketing, online lại quan tâm đến digital marketing)
- Khác nhau về hàng hóa, mã sản phẩm (có những sản phẩm chỉ được bản trên online và ngược lại)
- Khác nhau về tư duy và mindset giữa các team (team offline sẽ tư duy về online rất khác so với những người trực tiếp làm online)
- Khác nhau về ngôn ngữ, nhịp độ làm việc, cách thức giao tiếp….
Mô hình kinh doanh truyền thống offline mình thấy có những điểm mạnh và những điểm hạn chế của nó (như hồi xưa mình làm offline thì một năm chạy chắc được 2 campaign lớn, data thu về thì khá chậm và lên kế hoạch đều phải chuẩn bị rất kĩ do rủi ro cao).
Nhưng khi chuyển sang làm Online thì thậm chí quý nào cũng có một campaign lớn, tất cả mọi chỉ số đều có thể đo lường, tách bạch và chính xác và nhanh.
Ở một công ty mà ở đó chỉ có văn hóa online thì mọi thứ đều đồng nhất, mọi người đều chung một vision. Nhưng ở một công ty có cả online và offline, vì các chỉ số KPI và quyền lợi lẫn cách làm việc đều có sự khác nhau nhất định, nên việc xảy ra những mâu thuẫn do không hiểu ý nhau, hoặc có sự so sánh giữa các phòng ban… là việc có thể xảy ra và bản thân người làm ở môi trường này mình nghĩ cần phải chấp nhận.
Nhưng suy cho cùng, tất cả những nỗ lực dù online hay offline đều đang hỗ trợ cho toàn bộ business, giúp cho nhãn hàng phát triển và mở rộng được thị phần, để đưa những sản phẩm chất lượng nhất đến tay khách hàng.
Nên khi mình tư duy, chỉ cần sản phẩm, hoặc nhãn hàng đó nó mà mình thực sự yêu thích và hứng thú với nó, thì dù là văn hóa online, hay văn hóa online + offline, thì chỉ cần mình thích và tự tin với sản phẩm, thì mình sẽ rất vui vẻ để làm việc.
Ngôn ngữ & con người
Một môi trường thuần online, thì từ ceo, kế toán, marketing, design, admin đều sẽ hiểu ngôn ngữ chung của nhau, những thuật ngữ ngành online như Mega Campaign, FlashSale, Freeship, Onsite,… thì tất cả mọi người sẽ hiểu đó là gì.
Tuy nhiên, đối khi nói chuyện với một team offline, hoặc sếp không rành về online, thì mình cần đưa những thuật ngữ quá đỗi quen thuộc đó về những từ ngữ đơn giản hơn, để đảm bảo người nghe hoặc đang trao đổi với mình có thể đủ hiểu cái mình đang nói là cái gì. Sẽ có những điều hết sức hiển nhiên, nhưng đối với những người làm offline sẽ rất khó để hiểu và nắm bắt.
Xung đột giữa các channel
Lúc trước, khi mình làm Online cho các nhãn hàng, nếu project của mình chỉ nắm ở trên sàn Lazada, thì các cuộc kiện tụng sẽ thường xuyên diễn ra giữa những người thuộc team Lazada và team Shopee. Thông thường sẽ là các cuộc kiện về
- Giá cả (Shopee bán giá vậy sao Lazada bán được?)
- Quà cáp (Lazada sao có quà Lock & Lock, mà sao Shopee không có quà gì hết)
- Voucher, Activities,… (Tại sao Shopee có voucher 50K, còn Lazada không có gì hết…)
- Các thể loại phí (Sàn này tăng phí, sàn kia tăng giá gói marketing, rồi sao bán blablala)
Rồi chưa kể đến traffic, những kênh hỗ trợ tăng sale cho các sàn. Đơn giản bạn có thể tưởng tượng, một túi nước giặt 3.5Kg trên Lazada bán 175K, nhưng tự nhiên Shopee bán 160K, trong cùng một ngày 9.9. Thì nếu bạn chỉ làm mỗi Lazada, thì bạn có thấy công bằng không, mình thì dĩ nhiên là không. Không công bằng thì đâm đơn kiện hoặc 7749 cục than được quăng ra liền =))).
Đó chỉ mới là kiện tụng giữa 2 sàn với nhau thôi. Nhưng ở cty có cả online và offline, các cuộc kiện tụng cũng thường xuyên xảy ra và nhìn chung sẽ tương tự như ở trên, sẽ là những xung đột về giá, về chi phí, về họa động hỗ trợ đế đẩy số bán.
Mô hình kinh doanh
Mô hình kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong thậm chí quyết định khả năng gắn bó của mình với công ty đó. Mô hình kinh doanh của cty cũng sẽ giúp cho người nhân viên thấy được bức tranh tương lai của công ty và của chính vị trí mà người nhân viên đó đã đang và sẽ tiến triển như thế nào.
Nếu một công ty đang có mô hình kinh doanh B2B (chuyên bán cho các nhà phân phối, đại lí bán lẻ, chứ không bán cho người tiêu dùng cuối, hay gọi dân dã là bán sỉ (bán theo từng lô hàng với số lượng lớn, đa phần chuyên sản xuất), đột nhiên một ngày muốn chuyển mình bán lẻ B2C, tự mình bán trực tiếp cho người dùng cuối, xây dựng và set up phòng inhouse, đội marketing, customer service, phòng sale, ecom, digital marketing, branding….nôm na là muốn 1 mình làm mọi thứ.. Thì sẽ rất phải cân nhắc vì cty này đang trong quá trình chuyển đổi hoặc mở rộng mô hình kinh doanh, và mô hình này đang rời xa năng lực cốt lõi của công ty.
Ngược lại, ở các công ty đã xác định sẵn mô hình kinh doanh: Chỉ bán online, hoặc bán online và offline nhưng xác định chỉ bán cho các nhà phân phối, hoặc chỉ bán offline và coi online là kênh bán thêm…. Những công ty này với mô hình rất rõ ràng, đã xác định ngay từ đầu đâu là thế mạnh của họ. Thì sẽ là một nơi lí tưởng đến mọi người cân nhắc và đi lâu dài.
Ví dụ với mình, do trải nghiệm làm việc của mình một khoảng thời gian thì mình cảm thấy mình thích với việc làm marketing hoặc bán hàng cho người tiêu dùng cuối hơn, mình thích nhìn những con số, thích nhìn thực tế những nổ lực của mình (marketing, operation, customer service…) mang đến doanh số như thế nào, profit ra làm sao, tối ưu như thế nào…
Nên mình chọn những nơi cty có văn hóa online, người sếp có hiểu biết về online, hoặc công ty đang ở trong giai đoạn chuyển mình & đầu tư nhiều cho online. Nơi mà văn hóa online được đề cao.
Kết luận
Dù là môi trường nào, hi vọng những chia sẻ của mình có thể cho bạn thêm góc nhìn. Nếu bạn chọn văn hóa online, chúc bạn luôn vui với niềm vui luôn được nhìn thấy người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của bạn.