Mạnh dạn loại bỏ những mục tiêu không quan trọng
Chào các bạn, cũng đã rất lâu rồi, kể từ cuối tháng 12, mình vẫn chưa có một bài blog mới nào về Ecommerce. Thực sự mình rất muốn viết 1 cái gì đó mới để chia sẻ cùng mọi người các câu chuyện về nghề, nhưng không hiểu sao mình lại loay hoay mãi. Một phần vì công việc bận rộn dịp cuối năm & đầu năm.
Phần còn lại, do đã là năm thứ 2 làm trong lĩnh vực này, ngoài những thế mạnh của mình xoay quanh việc Planning các marketing channels, phân tích dữ liệu, triển khai mega campaign…, mình đang còn phải học thêm về Finance, chuyên sâu hơn về Commercial, về Operation….những hạng mục mà mình tự đánh giá là mình đang còn khá yếu nên mình cũng không dám viết qua loa những kiến thức ở mức độ bề mặt.
Hi vọng trong thời gian tới, khi đạt được nhiều kết quả trong các mảng kiến thức mới, thì mình sẽ có những đúc kết thực sự giá trị để chia sẻ cùng mọi người.
Quay trở lại nội dung chính, hôm nay đã là giữa tháng 3, tức còn khoảng 15 ngày nữa là kết thúc quý 1 năm 2022. Cũng là lúc sắp phải ngồi xuống và nhìn lại kết quả của 3 tháng đầu năm, để xem rằng các dự án đã triển khai được đến đâu so với kế hoạch rồi.
Và một trong những việc làm mình nghĩ quan trọng nhất trong giai đoạn này, quyết định sự phát triển của một dự án trong ít nhất 3 tháng tiếp theo (quý 2). Chính là đến từ việc sắp xếp lại sự ưu tiên và việc loại bỏ những thứ không quan trọng đang ảnh hưởng đến sự phát triển của cả dự án.
Ở đây, việc loại bỏ một hoặc một vài mục tiêu không quan trọng, đang có tác động xấu đến hiệu suất của cả dự án là một việc làm vô cùng khó. Loại bỏ sai có thể khiến cả dự án gặp trục trặc mang tính hệ thống, tuy nhiên khi đã cởi bỏ được nút thắt, nó có thể khiến cả dự án phát triển vượt bậc.
1. Vấn đề khi thiết lập các mục tiêu và kế hoạch trong giai đoạn dài (1 năm)
Những mục tiêu trong năm mới, thường được dựa trên những kết quả đã có của một năm trước đó, kết hợp với nhiều yếu tố (nội lực, nguồn lực, tiềm năng, đối thủ, thị trường, return on investment…). Từ đó xác định được những cái mà mình muốn.
Thông thường, cấp trên muốn đạt được rất nhiều thứ (rất nhiều mục tiêu: Tăng followers, đặt doanh số x3 x4, xây được hệ thống, đạt được tỉ lệ ROI cao, market share blablabla…) , nhưng với một nguồn lực xác định có giới hạn, mỗi dự án chỉ có thể đáp ứng được một số (khoảng 3 or 4) mục tiêu trong suốt 1 năm hoạt động để đạt được kết quả tốt.
Vấn đề việc xác định và đưa ra số lượng mục tiêu cần theo đuổi là rất rất khó, hơn nữa, các mục tiêu ấy còn phải có tính khả thi và có khả năng đạt được…, nó vừa phải dựa trên những dữ kiện data mà người lập kế hoạch có được, và cũng dựa vào một phần kinh nghiệm và có cả sự cảm tính trong việc đưa ra kế hoạch.
Giả sử một nhãn hàng A đặt mục tiêu doanh số 2022 sẽ tăng gấp 4 lần so với 2021. Thì theo mình quan sát thấy, sẽ có nhãn hàng lấy cơ sở “gấp 4 lần” dựa vào báo cáo thị trường (thường là mua ở những cty research uy tín), họ biết rõ rằng ngành hàng đó năm vừa rồi tăng trưởng bao nhiêu% và họ muốn họ sẽ ở đâu trong bức tranh đó và trong tay họ có những món đồ chơi gì để đạt được điều họ cần.
Tuy nhiên cũng có những nhãn hàng chỉ đơn thuần là đặt một target chỉ vì “họ cảm thấy cái đó là hợp lí”.
Trên thực tế, mình thấy đa số các dự án đều có mục tiêu bao giờ cũng lớn hơn nguồn lực hiện có. Thậm chí dù đã cân nhắc loại bỏ đi nhiều mục tiêu không hợp lí trong các cuộc họp, thì việc luôn có quá nhiều mục tiêu hoặc mục tiêu quá tầm với, vẫn diễn ra một cách khá thường xuyên.
Dĩ nhiên, việc theo đuổi quá nhiều mục tiêu, hoặc mục tiêu quá khó trong một khoảng thời gian dài mà không đạt được bất cứ một kết quả khả quan nào sẽ dẫn đến việc dễ bị nản. Hoặc chính các mục tiêu đó sẽ là một cục tạ kéo cả một dự án đi xuống.
Lúc này, việc review lại các mục tiêu, xem xét lại quá trình, và kết quả sau một khoản thời gian triển khai. Từ đó mạnh dạn nhận ra cũng như loại bỏ các vấn đề là thứ cần được ưu tiên nhất.
2. Review và loại bỏ những “cục tạ”
Ở đây, mình muốn nhắc việc “loại bỏ” một mục tiêu, hoặc một hạng mục, hoặc một nhóm sản phẩm, hoặc một sản phẩm nào đó đang tồn tại sẽ có tác động cực lớn đến kết quả chung cuộc của bạn. Hãy cũng nhìn vào ví dụ bên dưới.
Ở trường hợp 1, bạn xác định được nhóm sản phẩm D là nhóm sản phẩm “cục tạ” nhưng vì một lí do gì đó cảm tính, mọi người vẫn bán sản phẩm này, và vô hình chung nó làm cho ASP (Average Selling Price) của cả gian hàng đang nằm ở mức 190K. Nhưng khi loại bỏ nhóm sản phẩm D, chúng ta có ASP đã bằng 233K và số lượng bán giảm xuống từ 310 còn 260, đồng nghĩa với việc bạn tiết kiệm nguồn lực đến bán 50 sản phẩm D với giá 60K để lấy nguồn lực đó bán các sản phẩm còn lại với mức giá trung bình là 233K.
Tức là bạn chỉ cần bán thêm 12 sản phẩm nữa (thuộc các nhóm SP A, B,C) thay vì phải bán tận 50 SP D. Trong nhiều trường hợp, sản phẩm D có thể là nhóm sản phẩm lỗi thời, hoặc tiêu thụ chậm, hoặc tồn kho thời gian dài, việc loại bỏ nhóm sản phẩm này càng nhanh càng tốt sẽ có lợi điểm về mặt operation.
Tương tự như thế, mình cũng áp dụng nguyên tắc này đối với những mảng miếng khác
- Loại bỏ những mục tiêu marketing vô nghĩa để tập trung vào cái quan trọng nhất.
- Loại bỏ những dự án Ecom đang đảm nhận nhưng không mang lại giá trị tương lai.
- Loại bỏ những mục tiêu cá nhân khi không đụng vào nó trong 3 đến 6 tháng.
Việc loại bỏ rất khó vì đa phần chúng ta cảm thấy tiếc hoặc cảm giác muốn ôm đồm nhiều thứ. Nhưng ở một chiều suy nghĩ ngược lại, loại bỏ giúp chúng ta giảm bớt gánh nặng vào những thứ không mang lại nhiều giá trị và lợi ích tổng thể, để tập trung vào những mục tiêu mang lại giá trị cao (high return on invesment)
3. Kết luận
Kể từ khi mình biết cũng như thực hành việc loại bỏ những thứ không quan trọng, mình cảm thấy trong công việc lẫn cuộc sống của mình dễ thở hơn rất nhiều. Cứ mỗi tuần, hoặc mỗi tháng, hoặc mỗi 3 tháng, mình đều sẽ xem xét lại những mục tiêu của bản thân.
Xem xem mình đã và đang thực hiện đến đâu rồi, nhiều lúc, có 1 hoặc 2 mục tiêu mình muốn làm trong năm nay, nhưng kiểu cứ để đó, vừa khó chịu, vừa tội lỗi với bản thân vì không đủ thời gian để làm tốt nó, rốt cục mình bỏ nó luôn. Thế là bản thân thanh thản để tập trung vào những cái đang theo đuổi hơn.
Trên công ty, có những giai đoạn mình một mình đảm nhận rất rất nhiều dự án, và mình cảm thấy bị đuối sức và sinh ra trạng thái muốn nghỉ. Nhưng sau một hồi review lại, mình quyết định đề xuất xin rút khỏi dự án đó, để tập trung cho dự án mà mình đã nghiên cứu nếu dành thời gian thì mình sẽ đạt được nhiều kết quả tốt hơn. Thế là được sếp duyệt và sau đó mình có thời gian và toàn tâm toàn ý cho dự án hiện tại và đạt được nhiều kết quả thực sự tốt.
Hay quá :))) vô tình biết đươc blog của a, xem qua thấy thú vị ghê. Cảm ơn a vì những bài chia sẻ và chúc a nhiều sức khỏe, may mắn và thành công trên hành trình của cuộc sống ^^