EcommerceKinh Nghiệm

Công việc của một Ecommerce Marketing Planner ảnh hưởng tích cực đến cách tổ chức cuộc sống

Vào quý 4 là quý bận nhất năm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cũng là tròn 1 năm mình chuyển ngành và làm việc ở vị trí Ecommerce Marketing Planner.

Đọc thêm: Nghỉ việc, mất định hướng, bén duyên với Ecommerce, lí do tại sao Ecommerce là miền đất hứa trong 5 năm nữa -> Đọc tại đây

Khác với đại đa số, cá nhân mình sẽ thường ngồi xuống suy nghĩ và review lại các mục tiêu và kết quả đạt được sau 12 tháng vừa qua, cũng như set up tiếp những mục tiêu tiếp theo trong 12 tháng tới, về tất cả các hạng mục trong cuộc sống (sự nghiệp, sức khỏe, học tập, gia đình, tình yêu…).

Việc set up những mục tiêu và đề ra kế hoạch hoàn thành nó cũng giống như việc mỗi cuối năm mình ngồi lại cùng các phòng ban khác để set up những KPI cho một dự án kinh doanh trên sàn TMDT vậy.

Ví dụ trong 1 năm phải đạt được bao nhiêu doanh số, mỗi quý doanh số là bao nhiêu, rồi quý đó phải làm những cái hoạt động nhỏ nào. Rồi lỡ như không đạt được phải làm cái gì tiếp theo.

Một năm chạy theo các KPI về doanh số, suy nghĩ và hành động để đạt được nó.

Thì cũng chính là ngần ấy  thời gian và suy nghĩ để mình đạt được những mục tiêu về khía cạnh về các trong cuộc sống (sức khỏe, tài chính, tinh thần…)

Dĩ nhiên có những cái mình đạt được, và có những cái thì không. Tuy nhiên mình thấy 2 hoạt động này gần như là giống nhau.

Nên bài viết này để chỉ ra một vài ý mà mình lấy tư duy đạt kết quả trong công việc. Để áp dụng và đạt các kết quả tốt trong cuộc sống.

Kế Hoạch – Định Hướng – Kết Quả – Deadline

Ở khoảng tháng 11 hoặc tháng 12 năm ngoái, mình có dịp được ngồi xuống cùng 1 khách hàng của dự án mà lúc đó mình vừa được bàn giao. Nhiệm vụ  là phải cùng team nội bộ và khách hàng để thảo luận về việc đặt ra các KPI chỉ tiêu về doanh số trong suốt 1 năm trên cả 3 sàn TMDT (Shopee – Lazada – TIKI).

Để đặt ra và thống nhất được các con số cụ thể thì đòi hỏi rất nhiều thời gian và tham vấn của rất là nhiều phòng ban khác nhau. Từ tài chính, vận hành, đến marketing. Cho đến việc nhìn thị trường xem đối thủ như thế nào, thời điểm nào là tốt để đẩy sale, thời điểm nào để ra mắt sản phẩm mới.

Cái hay ở đây là việc tụi mình sẽ phải đánh giá nguyên 1 năm hoạt động của dự án này. Và từ đó thống nhất về chỉ tiêu doanh số (kết quả đạt được) của từng quý, từng tháng. Và sau đó có những định hướng cho mỗi quý. Sau cùng thì đưa ra các hoạt động làm sao để vừa đi đúng định hướng mà phải đạt được kết quả đã đề ra.

Bạn có thể xem ví dụ bên dưới như 1 ví dụ đơn giản nhất.

bảng này là hư cấu về số liệu

Doanh số là những mục tiêu kết quả mình cần đạt được trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ như đạt 120 triệu trong tháng 9. Con số này trong nhiều trường hợp, là không thay đổi.

–> Cũng giống như việc mình thiết lập kế hoạch trong cuộc sống của mình. Hạng mục về sự nghiệp, mình đặt mục tiêu trong 6 đến 8 tháng sẽ được tăng lương xx%. Hoặc trong 6 tháng sẽ lấy được bằng tiếng anh Ielts 6.0.

Định hướng Direction như ở trên bảng có note là trong vòng 4 tháng cuối năm, mình sẽ tập trung 70% nguồn lực đang có vào việc tối ưu nội sàn và xây dựng quy trình hệ thống cơ bản quy trình hoạt động của các phòng ban.

Việc này giống như mình lúc nào cũng cầm trên tay một tấm la bàn, để luôn luôn đi được đúng hướng mà không sợ bị lạc.

–> Trong cuộc sống của mình cũng như thế. Ví dụ để đạt được mục tiêu tăng lương trong 6 đến 8 tháng. Mình tự đưa ra định hướng là dành 100% sự tập trung vào công việc, xây dựng sự tin tưởng và gắn kết với đồng đội… Hoặc mục tiêu là không còn bị đau lưng, thì định hướng của mình là phải đi bộ ít nhất 3 lần mỗi tuần.

Hoạt động cụ thể. Ví dụ ban đầu, để đạt được doanh số đề ra, mình cần có những hạng mục nhỏ hơn cần phải hoàn thành (sale, price, product, promotion, relationship). Mỗi hạng mục nhỏ đó cũng sẽ đều có những chỉ tiêu riêng và định hướng riêng. Sao cho cái riêng đó phù hợp với cái tổng thể. 

–> Trong cuộc sống, mình cũng làm tương tự như thế.

Nếu mục tiêu lớn nhất là tăng lương sau 6 tháng. Thì công việc chuyên môn sẽ phải là thứ được ưu tiên hơn cả, sau đó sẽ làm tốt thêm về mặt sức khỏe, rồi bồi dưỡng thêm các mối quan hệ trong ngành. Toàn bộ sẽ được bồi đắp cho mục tiêu lớn nhất.

Hoặc nếu mục tiêu lớn nhất trong năm của mình là xin học bổng đi du học. Rất có thể công việc sẽ không còn là sự ưu tiên của mình mà thay vào đó là ngoại ngữ.

Kết Quả Là Cố Định. Còn Cách Đạt Được Có Thể Biến Hóa Linh Hoạt

Và rồi sau đó, khi mà đã set up được từ trên xuống dưới, và thống nhất về các mục tiêu cụ thể theo từng khoảng thời gian cũng như định hướng rõ ràng

(dự án trong công việc thì thống nhất với các team và khách hàng, còn dự án cuộc sống thì thống nhất với chính bản thân).

Thì mình sẽ bắt tay vào để thực thi nó. theo từng tháng, từng tuần, từng ngày.

Ví dụ để đạt được kế hoạch kinh doanh 120 triệu trong tháng 9. Mình cần phải làm cái A, làm cái B, C, D. Khi được khoảng 15 ngày đầu tiên rồi. Mình nhìn lại xem đã đạt được tầm 50% chỉ tiêu chưa.

  • Nếu đạt được, mình có thể tự tin làm tiếp các hoạt động mình vẫn đang làm
  • Nếu dưới 50% chỉ tiêu, mình cần phải nhìn nhận và đánh giá lại toàn bộ các hoạt động A,B,C,D xem mình đã sai ở đâu. Và bắt đầu đào ra nguyên nhân để mà cải thiện.
  • Khi mình đã cố gắng hết sức nhưng cũng hiểu là khả năng đạt được 100% chỉ tiêu trong tháng bằng 0. Mình sẽ chấp nhận rằng mình đã thất bại, và bắt đầu tính toán cho tháng tiếp theo.

–> Trong cuộc sống của mình gần như cũng tư duy theo cái cách như thế. Mình đều có những mục tiêu kết quả, công việc phải hoàn thành trong tháng, trong tuần. Nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ.

Có thể vì 1 lí do đột xuất, hoặc một giai đoạn mình bị xuống phong độ, thì kết quả và chất lượng cuộc sống bị giảm sút. Làm cho tháng đó mình không đạt được mục tiêu đã đề ra.

Điều quan trọng nhất mình nhận ra là mình phải thành thật với bản thân và tìm ra nguyên nhân, rồi sau đó sẽ cải thiện nó. Bất kể đó là tốt hay xấu.

Như trong các mega campaign hồi tháng 11 tháng 12 hoặc thậm chí là Tết năm ngoái, dù team mình đạt số, dù marketing đạt chỉ tiêu. Nhưng thẳng ra, lúc đó mình còn ngu ngơ chẳng biết cái quái gì. Cũng chẳng hiểu lí do thực sự vì sao mình đạt được số.

Lúc đó mình vui không ? Dĩ nhiên có.

Nói lúc đó mình có cố gắng không? Dĩ nhiên có. 

Mình có tự tin là mình biết cách để chiến dịch sau về số không? Chắc chắn là không ! 

Nhưng nếu ở thời điểm đó mình đắc chí đi khoe mẽ mà không ngồi lại phân tích xem tại sao mình thắng ở chiến dịch đó, không đào sâu tìm hiểu nguyên nhân cội nguồn vì sao.

Thì bây giờ chắc mỗi khi thua một chiến dịch nào đó mình sẽ tìm cớ để đổ lỗi hoặc bạo biện cho sự ngu ngốc của bản thân.

Sự tập trung và dồn ép để ra kết quả

Khác biệt nhất ở lĩnh vực sàn TMDT, là mình bắt buộc phải hoàn thành một cái nhiệm vụ nào đó đúng với thời hạn deadline. Vì một chương trình sale trong ngày 11.11, nó bắt buộc phải diễn ra trong ngày hôm đó.

Để có một kết quả tốt trong ngày 11.11, mình bắt buộc phải hoàn thành các hạng mục chuẩn bị đúng thời hạn. Mình nhắc lại, bắt buộc phải hoàn thành.

Dù cho chất lượng chuẩn bị của mình có tệ như thế nào, mình vẫn phải hoàn thành đúng với cái deadline đó. Nếu không, các hạng mục và phòng ban khác sẽ không có đủ chất liệu để tiếp tục công việc của họ. Và mắc xích của mình sẽ vô tình là gánh nặng cho toàn bộ các bên có tham gia.

Theo ngôn ngữ bóng đá, là ta phải ra sân, phải đá xong trận đấu đó. Và chắn chắc sẽ nhận về kết quả: Thắng – Hòa – Thua. 

–> Điều này vô tình phá tan luôn cái tính cầu toàn của mình trong công việc lẫn cuộc sống. Hồi trước thì mình luôn muốn làm mọi thứ thật tỉ mỉ, căn chỉ từng chút một để nó phải hoàn hảo nhất có thể, đôi lúc làm cho bản thân cả thấy vô cùng stress.

-> Hiện tại thì không, mình rất thực dụng trong việc tổ chức công việc. Vì có rất nhiều việc phải làm và phải hoàn thành. Mình bỏ hẳn câu chuyện tỉ mỉ và hoàn hảo. Mình ưu tiên việc hoàn thành công việc ở mức độ tập trung cao độ để giảm thiểu lỗi sai nhiều nhất có thể.

Và kết quả là mình làm được nhiều việc hơn, đạt được nhiều kết quả hơn. Và thay vì dành thời gian để tỉ mỉ 1 cái gì đó thì mình giành thời gian để nghiên cứu tìm cách cải thiện kết quả sau.

Làm mới và thay đổi liên tục

Sau một năm làm Sàn, mình thấy kinh doanh thực sự khốc liệt. Mới 1 năm mà có rất nhiều thứ đã thay đổi.

Khách hàng mua hàng trên shopee lazada ngày càng thông minh hơn. Khách hàng dự án ngày càng yêu cầu và đòi hỏi cao hơn. KPI ngày càng cao hơn. Hệ thống ngày càng có nhiều công cụ hơn.

Mọi thứ kiểu đều phải hơn hoặc hơn rất nhiều so với trước. Nên bản thân mình bắt buộc phải chấp nhận và thích nghi cũng như tìm ra các phương án tối ưu nhất làm sao để đạt được kết quả đề ra.

Back Up Plan (Kế hoạch B)

Mình làm Ecom MKT Planner được 1 năm nhưng ở vai trò là người lên kế hoạch (Planner) thì chắc cũng được hơn 2 năm rồi.

Việc đánh giá và dự đoán các trường hợp xảy ra, có nhiều phương án tiếp cận trong việc triển khai thực thi dường như diễn ra như cơm bữa.

Nên có thể nói, công việc này giúp mình cẩn trọng hơn trong các bước đi tiếp theo của bản thân. Lúc nào mình nên mạo hiểm, lúc nào mình nên chọn phương án cẩn thận. Liệu rằng mạo hiểm thì có đường nào để lui nào không?

Những nước đi mạo hiểm có thể mang lại cho mình nhiều thứ hơn, nhưng nó cũng mang lại rất nhiều rủi ro.

Như mình hồi trước thường cái gì cũng muốn làm, mảng nào cũng thích, rồi ôm đồm cả đống rồi chẳng có cái nào ra hồn. Nghe mọi người xung quanh bảo ngon xong cũng lung lay mà ôm vào người.

Lúc đó, mình không đánh giá được mức độ rủi ro khi mạo hiểm nhận thêm 1 2 dự án không thuộc sự hiểu biết của mình. Và gần như mình đều gãy cả. Nên hiện tại thì mỗi khi có một bước tiến tiếp theo mình cũng đều chuẩn bị và cân nhắc rất nhiều phương án khác nhau.

Tổng Kết

Ở trên là một vài thứ mà mình thấy công việc và lĩnh vực này tác động đến các khía cạnh tích cực trong cuộc sống và bản thân mình rất vui vì nhờ nó mà cuộc sống của mình được cải thiện hơn nhiều.

Dĩ nhiên, nếu mà kể về các khía cạnh tiêu cực như khối lượng cv nhiều, làm việc xuyên đêm blablabla thì chắc cũng một rổ.

Tuy nhiên, đây là game có qua có lại. Mình vẫn chấp nhận những sự tiêu cực đó để đổi lấy được các sự tích cực ở trên. Hi vọng qua bài viết bạn tìm được một vài niềm vui trong công việc & cả cuộc sống nhé.

Mình hi vọng bạn có thể trao đổi tranh luận thêm cũng như đặt câu hỏi với mình thông qua đường link bên dưới.

https://forms.gle/d4Xex6MhG8zAsGht8

Cris To

Hello, mình là một người làm Marketing trong lĩnh vực Ecommerce. Mình thích Ecom và Homedecor, Data, Marketing và Cả Business nữa. Rất vui khi bạn ghé thăm "Nhà"

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button
Close