Cách tư duy thiết kế dữ liệu khi làm Marketing trên sàn TMDT
Trong quá trình vận hành các gian hàng trên các sàn TMDT cho các nhãn hàng. Mình luôn phải đối diện với một khối lượng dữ liệu đồ sộ từ sale đến marketing.
Các dữ liệu đó, khi mà kết hợp với nhau, và hòa trộn với yếu tố kinh nghiệm ngành sẽ giúp người làm sàn dễ đưa ra quyết định có tính thay đổi cục diện…. ngay lập tức.
Mình nói cụm từ “thay đổi cục diện ngay lập tức” cũng vì tính chất nhanh và liên tục của sàn. Trong một ngày Mega Sale ví dụ như 5.5 vừa rồi, doanh thu có thể tăng lên 10 đến 20 lần, trong khung giờ từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng thôi thì doanh thu đã tăng theo từng giây. và có thể chiếm đến 30% tổng doanh số của cả ngày hôm đó.
Bạn có thể xem thêm bài viết: Bán 1000 túi Ariel giá 9K trong chưa đầy 1 tiếng của mình.
Chính vì thế, việc hiểu các con số, đọc được dữ liệu, kết hợp chúng lại với nhau, kèm theo việc am hiểu ngành và thị trường qua từng chiến dịch sẽ giúp bạn dễ dàng ra quyết định cũng như lập kế hoạch ngắn hoặc dài hạn.
Vẫn quay về một công thức cơ bản nhất cho những ai làm sàn
Doanh thu = Tổng lượt truy cập * Tỉ lệ chuyển đổi ra đơn * Giá trị trung bình mỗi đơn hàng
Vậy thì để đạt được mục đích cuối cùng là doanh số, thì bạn cần ra quyết định để thay đổi 3 yếu tố bên trên, dựa vào việc phân tích dữ liệu và mức độ am hiểu về những con số đó.
Là một người làm Marketing chuyên mảng sàn TMDT, và cũng vừa cùng đội Business Analytics xây dựng được một hạng mục báo cáo dữ liệu riêng về Paid Ads (Chạy Ads trên sàn, hạng mục chiếm hơn 10% doanh thu) cho chính gian hàng mình đang làm. Giúp team ra quyết định dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn.
Nên mình hôm nay ghi chép lại góc nhìn của một marketer về việc làm dữ liệu và báo cáo dữ liệu cho các hạng mục Marketing khi làm sàn TMDT. Hi vọng giúp mọi người có nhiều góc nhìn.
1. Tư duy
Khoảng tháng 4 năm 2020, mình nghỉ việc ở nhà chỉ để học tiếng anh và phân tích dữ liệu, nhằm tìm kiếm một cơ hội mới sau khi đã nhìn thấy những bất cập và đầy rẫy những điểm yếu của bản thân.
Mình bắt đầu cày các khóa online như Business Metrics trên Coursera để có kiến thức tổng quan hay học cách sử dụng thành thạo công cụ như Excel, cách báo cáo, cách xử lí dữ liệu sau đó


Cảm giác lúc đó mình khá tự tin về những gì mình học cũng như thực hành, thậm chí mình còn đam mê các dashboard và làm các các dự án freelance về việc xây dựng các Dashboard (bảng mô tả trực quan) về sale & marketing cho các doanh nghiệp nhỏ, cho đến khi vào công ty hiện tại và đối diện với một nùi những dữ liệu khổng lồ và một mô hình online quá nhanh.
Mình ngợp, thực sự ngộp.
Và mình nhận ra, việc chuyên công cụ như Excel – Google Sheet (xử lí nhanh, chuẩn chỉnh), vẽ Dashboard cho thật ngầu thật bắt mắt chỉ là những vấn đề thứ yếu. Đôi khi biết nhiều quá và đi sâu quá – mãi làm mọi thứ thật tiêm tế và chuyên nghiệp, nó lại kiềm hãm những thứ quan trọng mà đáng lí ra một Marketer như mình cần tập trung hơn, đó là ra quyết định nhanh dựa trên phân tích dữ liệu để cải thiện tình hình.

Và mình quyết định thay đổi, tập trung vào cách tư duy phân tích dữ liệu hơn là học cách làm sao sử dụng công cụ thật thuần thạo thật chuẩn chỉnh. Dĩ nhiên, đó là mình thôi vì mình cần dành thời gian cho những việc khác nữa. Nhưng cái tư duy này đã giúp mình phát triển nhanh hơn, một vài idea như sau.
a) Bạn phải thực sự hiểu dữ liệu, những chỉ số mà mình đang làm, nó đang nói lên điều gì?
Traffic thì sẽ có traffic nội sàn và traffic ngoại sàn. Traffic ngoại sàn lại chia thành miễn phí hoặc trả phí, trả phí thì mang về kết quả nhanh hơn nhưng tốn tiền nhiều hơn. Để tăng được traffic thì phải tăng traffic nội sàn hay traffic ngoại sàn, cái nào phù hợp hơn trong thời điểm này, khi sắp hết ngày rồi mà KPI vẫn không đạt.
Doanh thu đang giảm, tại sao nó giảm, nó giảm so với cùng kì bao nhiêu phần trăm. Chia nhỏ ra, tại sao nó giảm, traffic đang giảm hay conversion rate đang giảm? Chia nhỏ nó ra, vậy traffic đang giảm thì kênh nào đang giảm, kênh trả phí có đang hiệu quả không, kênh miễn phí có đang làm tốt chưa, tại sao??
==> Mình luôn luôn có những câu hỏi “tại sao” để đi sâu hơn vào vấn đề, để tìm ngọn ngành và sự liên quan của các con số, sự tăng giảm và liên quan của chúng để nhìn thấy nút thắt của vấn đề.

b) Nhìn từ trên xuống,để giải quyết những chỉ số mang tính quyết định !
Mỗi chỉ số sẽ thay đổi khi các yếu tố phụ thuộc theo nó thay đổi
Ví dụ:
- Doanh thu = Traffic (tổng truy cập) * CR (tỉ lệ chuyển đổi)* AOV (giá trị trung bình đơn)
- Traffic (tổng truy cập) = Interal Traffic (nội sàn) + External Traffic (ngoại sàn)
- External Traffic (ngoại sàn) = Facebook Ads + Google Ads + Tiktok Ads
Nếu bạn thấy doanh thu đang giảm, hãy đặt câu hỏi đầu tiên liên quan đến các con số ảnh hưởng đến doanh thu như : traffic, hay tỉ lệ chuyển đổi, hay giá trị trung bình đơn. Từ đó tìm ra con số thực sự đang gặp vấn đề, sau đó lại đào sâu tiếp.
Việc quan sát từ trên xuống giúp bạn có cái nhìn tổng quan, và thấy được chỉ số nào thực sự quan trọng để cần đào sâu phân tích tiếp.
c) Đừng quá quan tâm đến mấy cái Dashboard trông có vẻ hoành tráng ngoài kia.
Mục đích của mình là đọc dữ liệu để ra quyết định dễ dàng hơn. Thì một chiếc Dashboard dù có xấu hoắc, nhưng đúng những thứ mình muốn nhìn, thì nó cũng có giá trị hơn gấp chục lần những dashboard có vẻ lung linh nhưng không thể hiện được những thứ mình thực sự cần.
Dĩ nhiên, nếu bạn chỉ muốn có một cái nhìn tổng quan dựa vào việc nhìn Dashboard thì không sao cả.

d) Dữ liệu chỉ nói lên một phần của câu chuyện, đừng đánh mất sự tự tin khi nhìn vào nó
Hồi lúc mình mới nhận làm marketing cho một thương hiệu Trà Sữa, ngân sách chạy quảng cáo Facebook của chuỗi trà sữa đó cỡ tầm xxx triệu đồng mỗi tháng. Sau khi review tình hình, mình và anh CEO quyết định tắt hết Ads luôn, kết quả là doanh thu chỉ giảm 2-3% trong suốt 1 tháng (không đáng kể). Và thế là mình tiết kiệm cho doanh nghiệp xxx triệu đồng để tái đầu tư cho các hoạt động khác.
Sau này, áp dụng tư duy này vào các cuộc chơi trên sàn, ví dụ như phân tích thị trường của mình thì sản phẩm A bán không được ở trên TIKI, nhưng sau khi thấy Lazada quá vã rồi thì team mình mới list hàng lên TIKI, chẳng cần tốn công sức gì nhưng lại ra đơn đều đều.
==> Vì thế mà mình nghĩ, đừng quá nên đắm sâu vào những con số, những bản report mà hãy có nhiều góc nhìn lẫn một chút sự quyết đoán dựa trên cảm nhận nữa thì sẽ tạo ra những kết quả rất khác.
e) Quyết định = Dữ liệu + Kinh nghiệm
Thầy của mình, anh Nguyễn Đức Thanh founder của website hocexcel.online cực nổi tiếng và thực tế cũng có nói: “Dữ liệu cũng chỉ là một phần của câu chuyện”. Để ra quyết định, thực sự còn cần thêm yếu tố kinh nghiệm, thứ mà hiếm khi nào có thể tự học được.
Nhiều lúc, sếp mình hay CEO mình quyết định con hàng nay hay dự án này sẽ bán ra đơn mà mình cũng không hiểu tại sao (mà mình lúc đó nghĩ éo thể nào có đơn luôn). Sau này hỏi thì mới biết đó là Market Sense, tức cái cảm nhận của họ thôi.
2. Thực hiện
Nói là một chuyện, nhưng để phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định, bạn cũng cần có một số kĩ năng chuyên môn nhất định về data.
Điều này giống y chang cái việc, bạn biết sử dụng sơ sơ photoshop (hoặc cava) để thiết kể ra một cái banner chuẩn về bố cục 1/3 hay quy tắc Chính – Phụ nhìn vẫn hợp mắt vậy đó.
Bước 1: Xử lí dữ liệu thô
- Để xử lí được dữ liệu thô đầu tiên bạn phải hiểu được: Định dạng dữ liệu, cấu trúc dữ liệu là như thế nào, dữ liệu nào là số, dữ liệu nào là chữ,…
- Sau đó bạn cần biết cách sử dụng một số hàm công thức và công cụ excel cơ bản như: If, Index, Vlookup, Index Match, SumProduct, lọc dữ liệu trùng…để có thể tùy biến dữ liệu theo ý đồ của mình và đúng định dạng cấu trúc dữ liệu.
- Và sau cùng có thể sử dụng công cụ Pivot Table để phân tích hoặc dùng tiếp các hàm để tìm giải quyết các bài toàn riêng hơn
Bước 2: Trực quan hóa và automation
- Sau khi bạn đã thực hiện đi thực hiện lại nhiêu lần câu chuyện xử lí dữ liệu và cảm thấy nó tốn quá nhiều thời gian, hãy suy nghĩ ngay để việc trực quan hóa và tự động dữ liệu. (Nếu trường phái Google, hãy nghĩ đến Google Data Studio. Mình trường phải Excel, nên dùng chủ yếu là Power Query và Power BI)
- Chỉ khi bạn thực hiện phân tích nhiều lần, bạn mới biết được cái gì cần trên cái dashboard đó và nó giúp ích cho bạn được điều gì. Khi này, việc đã có những kĩ năng nền tảng về dữ liệu thì bạn có thể xây một cái Report Dashboard trực quan cây nhà lá vườn như mình như sau

- Sau đó, bạn có thể cải tiến nó lên, bằng cách đi thuê ngoài hoặc nhờ đội ngũ chuyên về xây Dashboard để họ vẽ cho bạn một cái nhìn chỉn chu hơn và xây dựng một luồng data tự động hóa

Việc xây dựng Dashboard và tự động hóa dữ liệu, bạn không chuyên thì cần thợ để xây. Nhưng xây cái gì thì bạn nên là người quyết định, nếu không họ sẽ xây theo cái chuẩn mà họ đã làm cho những dự án trước đó, và tất nhiên đa phần, không model nào giống model nào cả.
Bước 3: Cải tiến và nâng Cấp
Trong quá trình vận hành data, cũng cần tiến hành sửa chữa hoặc nâng cấp định kì, từng chút từng chút một, để hệ thống hoàn thiện dần tùy thuộc vào nguồn lực của team.
3. Kết luận
Mình cũng sắp mặt rất nhiều lần, tuy nhiên, do nhận thấy tính quan trọng của dữ liệu nên cũng ráng mà mày mò để làm. Phía trên là tất cả những gì gom góp lại được trong nửa năm học và nửa năm làm ở góc độ data. HI vọng mọi người có một chút idea để có thể chinh chiến trên con đường sự nghiệp trong thời đại số này.
——
Buy Me A Coffe – Mời Mình 1 Ly Cafe Làm Quen Nhé ^^
Mình không phải là thầy giáo, tư vấn viên hay chủ một gian hàng nào cả. Mình đơn giản là đang làm tốt công việc (Ecommerce Marketing Planner) bằng cách đúc kết và chia sẻ những thứ mình làm và trải nghiệm được trong quá trình làm nghề, thông qua các nội dung trên Blog.
Nếu bạn đọc đến đây, và thấy bài viết hay và có giá trị, thì hãy “mời” mình bằng 1 ly Cafe. Hãy tưởng tượng bạn uống mời mình 1 ly cafe có giá 2$ – 5$, và mình sẽ thưởng thức cốc cafe đó để tìm kiếm những ý tưởng, kinh nghiệm thực tế và tiếp tục có những bài viết chất lượng hơn.
Bạn có thể ủng hộ Nhân qua link MoMo này nhé (và đừng quên để lại lời nhắn góp ý cũng như Tên của bạn nhé): https://nhantien.momo.vn/cristo

Chia sẻ câu chuyện kinh doanh & marketing trên sàn qua email cùng mình, mình rất sẵn lòng để nghe và có thể sẽ giúp bạn (trong năng lực của mình).
Email: trongnhan2pm@gmail.com
Thank you !